January 29, 2015

Hồi Ký của chị Minh Kha - Chuyện kể về NW82


NW82 camp- 1982- Photo courtesy of David Devoss
Chị Minh Kha lúc đương thời kể rất nhiều về trại NW82, chị cũng kể lại trong những email này, xin post lên đây nguyên lời văn của chị để mọi người cùng hiểu thêm thời gian tị nạn ngày ấy


Chị đọc bài của ông Phước thấy viết toàn những chuyện có thật, còn học thêm vài điều mới về các anh bộ đội. Ống ấy vào trại NW82 vào July 1982, mà trại đã mở cửa từ January 1982 để đón nhận đám 50 người tụi chị từ tù Nong Chan sang và vài đám tị nạn khác từ các tù khác như Nong Samet v v, bây giờ lâu quá rồi nhiều chi tiết về tên trại, tên người, số người, về ngày tháng v v, chị không thể nhớ chính xác. Lúc đầu trại chỉ có vài trăm người nhưng cứ cách vài ngày lại có xe chở thêm tị nạn từ những tù khác đến. Khi đã có khoảng 1600 người thì 30 cái lều không còn đủ chỗ chứa tị nạn mới nên lính Thái cho dựng thêm mấy cái nhà tranh lớn trong đó có giường tầng. Con số lúc ấy như Hưng biết lên tới 1800. Chị biết Hưng đã từng mơ ước mình đã được là một trong những người "tốt số" mới đến ấy ...


Ban đầu tụi chị nằm ngủ dưới đất, không nhớ bao lâu sau thì Hồng Thập Tự hay ai đó cho chở các cây tre vào và lính Thái bào đàn ông trong trại làm giường ngủ cho tất cả mọi người, loại giường tre em đã biết chạy dài từ đầu này tới đầu kia của các lều nhà binh dã chiến mà người ta cho dựng lên để làm nhà ở cho tụi chị, và ở trong đó mỗi người được chia cho một chỗ vừa đủ rộng để nẳm. Mấy anh ấy làm giường xong thì không nghĩ tới việc dọn dẹp rác cho sạch sẽ mà để tùm lum giữa đường đi cho nên lính Thái bắt mọi người trở về lều chiều hôm ấy, rồi bắt ra xếp hàng có trật tự trước lều của mình, rồi chúng dùng gậy quất vào lưng từng người, nam nữ già trẻ lớn bé kể cả mấy chị đang mang thai cũng không ai thoát khỏi hình phạt. Đó là ngày mà bọn lính Thái đánh đập tị nạn cả trại em ạ. mà không thấy ông Phước kể. Lúc còn trong trại chị nghe nói có mấy anh mua thuốc lá hút bị lính Thái bắt được phạt họ bằng cách ngâm mình trong nước cống bẩn thỉu hôi hám nhiều tiếng đồng hồ.

Minhkha
***

Cuối 1982 ở ven rừng bom đạn pháo kích xảy ra hàng ngày tụi chị trong trại có thể chết bất cứ lúc nào nên JVA xuống trại NW82 làm việc với tốc độ chớp nhoáng, sau khi họ lập hồ sơ tị nạn xong thì khoàng 6 hay 7 nhân viên INS bay từ Mỹ sang Thái Lan xuống thẳng trại NW82 để phỏng vấn tị nạn chứ tị nạn trại tụi chị không phải có xe buýt đưa đi đâu phỏng vấn cả. Các anh đàn ông theo chỉ dẫn của JVA dựng lều làm việc cho INS ngay sát cạnh lều của JVA, giai đoạn này JVA còn ít nhân viên thôi vì hồ sơ intake của tị nạn đã lập xong. Chị nghĩ cả JVA cả INS làm viêc tổng cộng chỉ khoảng 4 tuần lễ là xong hết. Ngay sau khi tị nạn NW82 cuối cùng đã được INS phỏng vấn xong, thì riêng chị cùng với anh Bách cùng trại, chị và anh ấy đã được JVA giới thiệu để làm việc cho INS, phải đi theo phái đoàn JVA về Bangkok, và chị và anh Bách không bao giờ trở lại NW82 nữa. Anh Bách và chị là 2 người chọn ra từ NW82, nhưng khi INS bắt đầu làm việc phỏng vấn tị nạn trong trại này thì có thêm 3 thông dịch viên nữa được mang đến từ các trại tị nạn khác, để thơ khác chị kể thêm.


Cho nên tị nạn NW82 được chuyển qua Panatnikhom Transit Center ngày nào chị không biết cho đến vài tuần sau chị theo JVA xuống làm việc ở Panat mới có dịp gặp lại vài tị nạn NW82 họ mới kể sau khi JVA và INS đi khỏi thì chỉ 2, 3 ngày sau là mọi người được chở tới Panat. Mỗi lần xuống Panat làm việc chị chỉ quanh quẩn ờ căn nhà dành làm văn phòng cho JVA và đi thăm người quen ở các gian nhà của họ, ở gần văn phòng, chị đã không được nhìn thấy những nơi trong Panat mà Chương đã chụp hình.


Khi nào có dịp gặp Hưng ở Mỹ chị sẽ đưa Hưng xem tất cả những tấm hình về NW82 mà chị có. À, dĩ nhiên là không có hình chụp phía trong trại đâu nhé vì điều đó bị cấm. Với lại chị cũng có vài tấm chụp văn phòng JVA tại Panat và các bạn bè tị nạn ở khu vực sống của họ tại Panat nữa đấy.


Ngay ngày đầu tiên được chọn làm thông dịch viên cho INS, anh Bách và chị ngay lập tức bị cách ly khỏi tị nạn trong trại, không còn được phép nói chuyện với họ, và cũng không được sống trong trại NW82 nữa, mà phải đi theo JVA Team về sống chung với họ tại một căn nhà lớn trong một thành phố nhỏ trong lòng đất Thái lan, gần NW82. Rồi mỗi ngày thì buổi sáng xuống NW82 làm việc, xe van chạy khoảng nửa tiếng đồng hồ, buổi chiều xong ngày thì cùng đi về lại thành phố nhỏ. Chính là trong thời gian này chị đã mua một cái máy chụp hình. Tất cả các hình chị sẽ đưa cho Hưng xem là chụp từ máy của chị, những tấm có chị trong đó là nhờ người khác bấm.


Thơ chị chỉ nói về nước Mỹ xuống NW82 phỏng vấn tị nạn. Thực ra còn vài nước khác như Canada, Australia, vv ngày nào cũng xuống nhưng phần đông ai cũng chỉ muốn xin đi định cư ở Mỹ thôi.

Minhkha
***

Lúc tị nạn ra làm volunteer cho JVA thì tất cả các anh các chị đang dạy mấy lớp anh văn trong trại NW82 đều được ban đại diện trại đề cử ra làm thông dịch viên. Có năm sáu lớp gì đó mà chị được xếp cho dạy các em bé là lớp trình độ thấp nhất vì anh văn chị quá dở. Mấy anh chị kia giỏi lắm giỏi hơn chị nhiều mà không hiểu sao JVA lại chọn chị để làm thông dịch cho INS, em ạ. Thật là nực cười lúc ấy chị không thể tin điều đó là sự thật xảy ra cho mình. Sau này chị biết lý do nhưng sẽ kể em nghe khi khác. Anh Bách thì ngày xưa là sĩ quan trong quân đội hình như đã làm thông dịch cho lính Mỹ nên rất giỏi anh văn.


Vậy là Hưng làm cho JVA và đi xe buýt tới Banthai Samart, nói thực với em bây giờ liên lạc với blog của em thì chị mới tháy tên này lần đầu. Lúc từ nhà tù Nong Chan sang nhà thương, vào tháng 11 năm 1981, trước khi sang NW82, là lúc ICRC tới nhà thương lấy tên tuổi tụi chị và cho khám sức khỏe tổng quát, chị bị cận nặng mà không có mắt kính đeo nên được chở đi nhà thương Aran hai lần để đo mắt rồi lần sau đi lấy kính, chắc không phải là chỗ Hưng đưa tị nạn trại Hưng đi phỏng vấn.


Sau này khi JVA và INS đã xong việc phỏng vấn ờ NW82, vào tháng giêng 1983, thì 2 hay 3 nhân viên INS còn ở lại Thái Lan đi xuống hai hay ba trại khác, mà chị không nhớ tên nhưng cũng đâu đó dọc biên giới mà thôi. Anh Bách và chị theo JVA đi xuống trại tiếp tục thông dịch cho INS. Chị nhớ chỉ có một ngày thôi đi đến một trại kia chứa toàn unaccompanied minors, sáng đi chiều về. Hôm đó ông INS phỏng vấn một em trai 8 hay 9 tuổi, hỏi nó tại sao nó còn nhỏ mà đi vượt biên đường biển một mình mà cha mẹ không đi theo, nó trả lởi má con kêu con xuống ghe đi trước với mấy chú rồi má con ở nhà lo cho người ta đi vượt biên đã rồi má con sẽ đi sau. Ông INS tức giận đỏ mặt quay qua nói với chị cha mẹ VN thật ích kỷ và nhẫn tâm bỏ rơi con mình cho nó đi lênh đênh trên biển, một là nó chết dọc đường hai là nó sống sót sau này đủ tuổi sẽ làm giấy tờ bảo lãnh cha mẹ nó qua Mỹ bằng đường chính thức. Ông ta nói these parents should be put behind the bars. Trại này như vậy giữ các em unaccompanied minors của đường biển mà thôi hay cả của đường bộ nữa, chuyện này chị không biết. Lúc đó làm việc tiếng Anh dở quá mà thân phận mình là tị nạn cũng "sợ" mấy ông bà INS quá đâu dám nói chuyện gì ngoài thông dịch như một cái máy.


Vài ngày khác làm việc ở một trại khác chứa tị nạn cả lớn cả nhỏ, cũng sáng đi chiều về. Các gian nhà tranh dành làm phòng làm việc cho INS ở ngay phía ngoài trại, tại đây chị có chụp chung một tấm hình vói ông INS "nghịch ngợm" đội chiếc nón lá VN, sẽ cho em xem. Đến giờ ăn trưa được nghỉ mọi người có thể ăn cơm trong quán ăn lớn bán đủ thứ, mà trong quán này có ti vi người ta chiếu phim bậy bạ cho mọi tị nạn trong trại già trẻ lớn bé cùng xem trong khi họ ăn cơm! INS, JVA, anh Bách và chị cùng đi ăn trưa ỏ cái quán khác cũng trong phạm vi trại, có bàn và ghế tre dài ngoài trời. Lúc đó ngày nào ăn gì cũng thấy ngon. Một buổi sáng xuống trại đó làm việc INS và JVA được báo cáo tình hình nghiêm trọng là tối hôm trước một hay hai tị nạn đã tự sát bằng cách tự thiêu, hay tự đâm dao găm vào bụng. JVA lúc này nói cho chị biết trại này chứa những tị nạn bị lọt lại không nước nào nhận, cho nên họ tức giận và tuyệt vọng. Nhưng đến giờ ăn cơm ông INS hôm trước đội nón lá không sợ và lại rủ chị đi ăn cơm ở quán ngoài trời, sau đó JVA nói chị phải cẩn thận hơn vì nhiều tị nạn bị lọt lại rất oán ghét mấy ông INS, họ có thể làm hại các ông ấy và hại mình luôn.


INS không xuống Panat mà chỉ có JVA thôi. Lúc này anh David ? đã thôi làm và chị Pat? bây giờ làm team leader. Hôm đó có nhân viên JVA là anh John Whysham xuống, không có chị Pat thì phải, vào buổi sáng khoảng 10 giờ có một hay hai tị nạn đến văn phòng JVA và đứng ngay dưới sân trước văn phòng tự thiêu hay tự sát bằng dao đâm vào bụng, lúc ấy chị xin phép John đi thăm bạn trong trại nên không chứng kiến, sau đó có người chạy lại báo thì chị chạy gấp về văn phòng nhưng lúc ấy không còn thấy gì. Anh John từng có bạn gái VN và rất thương tị nạn VN, sau vụ này anh nói với chị anh buồn lắm vì thấy mấy người bị lọt lại hành động hơi quá đáng không hiểu nước Mỹ có chính sách của họ không thể nhận mọi người được. Lúc ấy chị mới được biêt mấy người vừa tự sát là những ngời bị lọt lại, như vậy Panat không chỉ là transit center mà còn chứa những người bị lọt lại nữa, cùa riêng NW82 hay cả các trại khác?

Minhkha
***


0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Best WordPress Themes